Họ được sinh ra và lớn lên ở rừng, cuộc sống mưu sinh của họ cũng từ rừng, Đối với rừng, họ am hiểu như là nhà.
Những người con của rừng sẽ biết uống nước ở khe nào, nên nằm ngủ ở đâu, sẽ biết lối nào là bẫy luồn để tránh và họ có một thứ giác quan để biết trước điều nguy hiểm mà mình không hiểu được.

K’ Sul – người cao gầy mà các bạn hay khen là không một PT nào bì kịp. Chỉ với một con dao anh có thể ngủ rừng cả tháng để theo bẫy, đạp rừng xuyên đêm để theo dấu con mồi và ở những cánh rừng hoang sơ đi theo nhóm mình còn ngại thì anh một mình kéo dây mây hàng tạ về làng. Tất nhiên những điều trên đây về anh chỉ là “đã từng”. Anh nay quây quần với nương rẫy và là đầu bếp chính của Odo’s into the Wild.

K’ Đọt – nếu các bạn đã tham gia các chuyến đi thì chắc đã đồng hành với anh. Một người có nụ cười không thể chất phác hơn. Đã từng kéo khúc gỗ nặng hơn 100kg từ tuổi thiếu niên 13 14. Bởi nên cây ở rừng anh rành như rau ở nhà. Chỉ cần nhìn thân, vạt 1 ít vỏ, xem cành lá là anh đã có tên cây cho bạn, có thể tên tiếng Kinh anh không rành nhưng tiếng Mạ thì anh không tồ. Anh nay đã là thành viên ban bảo vệ rừng phòng hộ và là người phụ trách an toàn của Odo’s into the Wild. Khi các bạn tắm suối mà cứ thấy ông ngồi như ông địa ngó tới ngó lui thì đích thực là anh.

Anh Liêng – người K’ho, là một thợ rừng chính hiệu. Trước đây anh có đàn chó săn hơn chục con, bẫy thú thì vô số, súng săn loại nào anh cũng đã kinh qua, máy cưa hiệu nào anh cũng đã cầm, thú trong rừng từ nhỏ đến to, từ hiền đến dữ, từ lành đến cực độc anh cũng từng đối mặt. Nhưng rồi nay khi ngồi nghĩ lại anh lại thấy tiếc – tiếc những cánh rừng già năm xưa nay đã ít dần. Bỏ lại cách mưu sinh xưa, với trải nghiệm rừng lâu năm và một bầu trời kiến thức rừng nay anh đã là thành viên của Odo’s into the Wild

Cùng với Odo’s into the Wild, những người con của rừng nay có một cách rất khác để sinh sống nhờ vào rừng – đó là mang đến trải nghiệm rừng.